Những cuốn sách giúp bạn hiểu hơn về sự bí ẩn của phụ nữ

[Thuonghieuvacuocsong.com.vn] Nhân dịp 8/3 – Ngày Quốc tế Phụ nữ, những tựa sách gợi ý trong bài sẽ giúp người đọc phần nào lý giải sự bí ẩn của phụ nữ, hoặc chí ít, hiểu hơn về sự bí ẩn của họ.


Có thể nói, phụ nữ chính là bí ẩn lớn nhất của tạo hóa. Victor Hugo - một nhà văn, thi sĩ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp nói rằng phụ nữ "có một vầng sáng ngọt ngào và bí ẩn còn hơn những vì sao trời". Còn Vladimir Lobanok - một tiểu thuyết gia, nhà thơ, dịch giả và nhà côn trùng học người Mỹ gốc Nga từng khẳng định "Tất cả mọi sự bí ẩn của thế giới này đều không thể sánh nổi với sự bí ẩn của người phụ nữ". Trải qua nhiều thế kỷ, người ta tốn không ít giấy mực viết về phụ nữ, miêu tả phụ nữ nhưng đến nay nhiều người vẫn cứ phải thốt lên rằng "Tôi không tài nào hiểu được cô ấy!". Chính vì vậy, tố chất của người phụ nữ thật dịu dàng nhưng đôi khi cũng có thể đột ngột trở nên thật gai góc. Họ cũng thật yếu mềm nhưng đôi khi cũng không kém phần mạnh mẽ. Họ tự do phóng khoáng nhưng một lý do đủ lớn cũng có thể khiến họ chu toàn chăm lo cho gia đình.



Họ là những người phụ nữ được nhiều người gọi tên. Họ nổi tiếng và có nhiều sức ảnh hưởng. Và nếu như họ không tự kể câu chuyện của mình hoặc được một ai đó tâm huyết dốc tâm tìm hiểu bằng những tựa sách dưới đây, thì câu chuyện của họ hoặc lý do khiến họ tạo nên cuộc đời mình vẫn mãi là một bí ẩn với những người ngoài cuộc.


Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng



"Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng" kể về cuộc đời bà Nhu từ một tiểu thư trở thành người đàn bà quyền lực và kết thúc trong cảnh cô liêu nơi xứ người. Cuốn tiểu sử đầy cuốn hút, riêng tư với kết cục bi thảm của người mà quyền lực chính trị và bản tính sắt đá đã mang lại cho mình danh hiệu Bà Rồng - không chỉ lý giải những điều làm nên sự quyền lực và bí ẩn của cuộc đời bà, mà đó còn là câu chuyện chưa được kể về chiến tranh Việt Nam.


Hồi ký Bà Tùng Long



Người đọc miền Nam cuối những năm 50 tới đầu những năm 70 quen với cây bút của nhà văn, nhà báo nữ Tùng Long. Bà nổi tiếng ở các truyện gọi là tâm lý xã hội cũng như các mục giải đáp tâm sự của bạn đọc nữ trên các báo hàng ngày hoặc định kỳ. Với bà, “viết là niềm vui muôn thuở của tôi…”, bà đã có trên 60 đầu sách được xuất bản từ năm 1956 – 1972. Sau năm 1975, nhiều tác phẩm đã được tái bản và in mới. Phần lớn các tiểu thuyết của bà đề cập đến thân phận người phụ nữ, ca ngợi tình yêu.


Trong "Hồi ký Bà Tùng Long" với hơn 350 trang, ngoài những chuyện văn chương, viết lách của một nữ sĩ, cả một giai đoạn lịch sử - chủ yếu là ở Sài Gòn - với nhiều biến động được sống dậy qua ngòi bút của bà.


Hồi ký nghệ sĩ Kim Cương: Sống cho người - Sống cho mình



Vào giữa thập niên 1950, giới mộ điệu sân khấu kịch nghệ, cải lương miền Nam bùng nổ cái tên được giới ký giả đề tặng “Kỳ Nữ” không ai khác chính là nghệ sĩ Kim Cương – Cô Đào Bi đa tài của nền “ẩm thực sân khấu” lúc bấy giờ và được đón nhận hết sức nồng nhiệt. Đã qua nhiều thập kỷ, giới mộ điệu sân khấu, có người sinh cùng thời, cũng có những thế hệ trẻ sau này, có người biết nhiều, cũng có người chỉ còn nghe đến những cái tên đã trở thành biểu tượng như: “Lá Sầu Riêng” đến “Trà Hoa Nữ” hay thậm chí là “Lan và Điệp” thì sẽ nghĩ ngay đến Kim Cương, như một phản xạ vô điều kiện. Và họ, vẫn chưa thôi tìm hiểu về một nhân vật như cô – một kỳ nữ kiệt xuất của sân khấu miền Nam lúc bấy giờ. Đề tài khai thác một cách sâu sắc nhất về cuộc đời của những nghệ sĩ đi cùng năm tháng như cô vẫn luôn và sẽ là những đề tài không hồi kết.


Tưởng chừng là đơn giản, nhưng phải đến khi trải qua quá nửa cuộc đời, có nhọc nhằn nghiệt ngã, có hạnh phúc nở hoa, nghệ sĩ Kim Cương mới thật sự muốn viết lại cuốn hồi ký – chút chương sử của cuộc đời mình. Trong "Hồi ký nghệ sĩ Kim Cương: Sống cho người - Sống cho mình", người “Kỳ Nữ Kim Cương” thay giới mộ điệu, tự nói về mình, bằng mảnh ghép chân thật nhất.


Ngoài ra, bạn có thể đọc thêm về những người phụ nữ phi thường khác qua những tựa sách như: "15 gương phụ nữ – Những bài học thành công", "Becoming – Chất Michelle", "Đằng sau những nụ cười".