[Thuonghieuvacuocsong.com.vn]Về Nghĩa Hòa đi tìm dấu tích ông tổ nghề làm đường phèn – đường phổi.
1/ Đầu Xuân, thưởng thức vị ngon xứ Quảng - nghe chuyện lạ
Sau bữa ăn rặt phong vị xứ Quảng như: Cháo Hàu sữa nấu lá hẹ củ nghệ, thịt heo luộc cuốn rau chấm mắm mực, Ram tôm đất chiên giòn (giống chả giò miền nam) ăn kèm gỏi sứa,.. vừa xuýt xoa hít hà vì độ cay của các món mắm mực, mắm dảnh, mắm cá nục muối chua, mắm cái, .. tuyệt ngon được chế biến qua bàn tay vén khéo của Chị Bê - cư dân chơn chất xứ Quảng đã khiến cả nhóm chết mê, ăn hoài không ngán.
Chưa kịp buông đũa, chị Nguyệt – người bà con của Trường Kha tiếp tục bưng mâm chè đậu đỏ đường phèn, chè chân vịt (dạng sụn san hô non), chè đậu ván,.. mời mọi người thưởng thức. Nếm vị chè thanh mát ngọt tâm can, chợt một tia sáng lóe lên trong đầu, Tôi hỏi:
Chị ơi! nghe nói Đường phèn Quảng Ngãi rất ngon, gần đây có lò đường nào hông, dắt em tới thăm chơi cho biết đi,!
Chị Bê (cười): Hôm nay mùng 2 Tết, các lò đường đóng cửa ráo trọi rồi, chuyến sau cô ra Quảng Ngãi chị dắt cô đi, xem coi cho đã nà, À ! Cô nói vậy là chưa đủ nha, chỉ có Nghĩa Hòa mới là cái nôi của nghề nấu đường phèn đường phổi đó. Ngoài ra còn có mạch nha, mật đường phèn, mắm nhỉ cốt (người kinh doanh cà_fê hay dùng để tăng độ đậm đà khi chế biến), u nhiều đặc sản lắm mà (ngữ điệu miền Trung nghe rất vui tai),
Nhưng phải nói cho đúng là: “Phổi-Phèn của Hoa, của ta Mạch Nha, Mật ong lộc trời“..
Bất ngờ vì câu trả lời rất duyên có vần cả điệu của chị.. Tôi giả vờ ngáo hỏi:
Oh, chị có thể giải nghĩa thêm cho em không ..?
Chị Bê (tíu tít chí thú): cô hỏi Út Kha nghen, Út biết rành lắm, chính Út là người bỏ công sức tìm kiếm gia phả gia tộc bên ngoại của tụi tui để đưa về xây lăng, lập mộ. Do Gia tộc bên Ngoại là người Phúc Kiến, thuở xưa cả gia tộc đã dắt díu nhau bôn tẩu hành phương nam rồi từng lưu cư tại xứ Quảng đã bao đời.
Thời gian sống trên đất Việt trải qua nhiều đời nên tụi tui riết quên hết cội nguồn tiên tổ, mưu sinh mà cô,.. Mấy năm nay, Út Kha bỏ công sức tiền của, kiếm tìm - đón rước di cốt ông bà về tụ họp trên đỉnh Hòn Yàng, mục đích khôi phục lại lịch sử cho dòng họ, giúp con cháu hiểu thêm Ân Đức ông bà. Chút nữa tụi tui đi lễ chùa Ông, tui sẽ chỉ cho cô bài vị ông tổ nghề đường Phèn - đường Phổi linh lắm, xưa các đời trên ở đây toàn dựa xin phúc để làm ăn mưu sinh rồi khấm khá từ đó mà, nghề biển nhiều rủi ro, không cậy nương thần linh trời Phật sao ổn được em,!
Vậy là, cả nhóm cùng nhau í ới lên xe tìm đến Chùa Ông tọa lạc tại Thu Xà (ngày xưa phố đông đúc giao thương của người Hoa, sau này để lạy chào Thần Phật. Riêng tôi cảm thấy vui hơn vì đến Xứ Quảng lần này, tôi lại có duyên tìm hiểu về ông Tổ nghề đường phèn với tâm trạng háo hức.
2/ Tìm đến Chùa Ông ở Thu Xà. Bái kiến di ảnh ông tổ Băng Hon
Nằm cách Cổ Lũy Cô Thôn chừng 7 km đổ lại, Chùa Ông là địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất của Quảng Ngãi. Theo ghi chép trên bia, Chùa được cộng đồng Tứ bang bao gồm ; Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam bỏ tiền ra xây dựng vào năm 1821 tại thị tứ Thu Xà dưới triều Vua Minh Mạng. Năm 1993, Chùa Ông đã được Bộ văn Hóa thể thao du lịch xếp là di tích Quốc Gia, khi chúng tôi đến thăm bất ngờ mới hay, Chùa vừa tròn 200 năm tuổi và bước qua năm thứ 201.
Kha cho biết; Chùa Ông có tên tiếng Hán là Đại Tự Quan Thánh bởi cư dân Tứ Bang xưa, trong hành trình đến nước Nam họ đã rước Linh vị và một bức tượng Quan Công xem Ngài là đại thánh bổn mệnh, chỉ đường và phù hộ cho người dân trên bước đường bôn tẩu.
Ban đầu, các cư dân cặp cảng Hội An và lưu cư tại đó. Thuở ấy “Xứ Quảng là đất phì nhiêu nhất thiên hạ… Ruộng đồng rộng rãi, lúa gạo tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vòng lạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hạt tiêu, cá muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đây”( ghi chép của Lê Quý Đôn)
Đặc biệt, người Phúc Kiến vốn giỏi về canh tác trồng trọt, khi đến Hội An, nhận thấy khu vực này có rất nhiều bãi mía mọc xanh um khắp nơi mà ngày ấy, cư dân Việt và Champa chỉ biết làm đường mía mà thôi.
Tuy buôn bán rất mạnh nhưng đường mía không có giá trị cao, theo thương gia người Pháp Pierre Birre, người từng đến Hội An và Huế vào giữa năm 1744 đến đầu năm 1745, đã ghi vào nhật ký của mình rằng: “Mỗi mùa hội chợ ở Hội An có thể bán cho thương nhân nước ngoài từ 20 đến 60 tấn đường các loại. Đường ở đấy rất nhiều và cần có 80 thuyền buôn mới chở hết được”
Nhận thấy khu cảng Hội An buôn bán rất thuận tiện nhưng cư dân Việt chưa biết về Băng Hon – đó là loại đường chỉ chuyên dùng trong y dược nên rất được quý trọng; Do có bí quyết chưng cất Băng Hon để dùng trong Đông y từ bao đời, ngay lập tức, một vài gia tộc người Phúc Kiến có tay nghề đã xây lò, mua đường mía (thời trước người dân đổ chứa đường mía vô ghè gạch để trữ), đem hòa tan rồi lọc chưng cất lại, tạo thành đường phèn (tức Băng Hon) đường phổi Thạch Khôi rất kỳ công. Khi thành phẩm được hoàn thành, Băng Hon được đóng thành kiện, bán cho các thương nhân ghé thuyền tại cảng Hội An đem về Trung Quốc, Ấn độ và các khu vực khác trong Châu Á.
Khi Băng Hon được phổ biến rộng rãi và được ưa chuộng thì việc sản xuất đường phèn nhỏ lẻ ngay tại Hội An xem ra không còn phù hợp. Để tìm vùng nguyên liệu dồi dào, gia tộc họ Hoàng và Họ Ngô đã di chuyển vào khu vực Thu Xà bởi họ nhận ra: nằm cách Hội An không xa, xứ Quảng Nghĩa (tức Quảng Ngãi ngày nay) có địa thế tuyệt đẹp như Tam Trà Hà Thủy (tức 3 con sông có tên Trà khúc, Trà Bống, Trà Câu), Tam Thiên Sơn động đón linh khí trời (đó chính là núi Thiên Ấn, Thiên Bút và Thiên Mã). Chưa kể, Cửa Đại Cổ Lũy là cửa biển rất rộng rãi, ghe thuyền đi lại dễ dàng.
Trong đó, Thu Xà là mảnh đất nằm trên đầu mối giao lưu của sông Trà và sông Vệ trước khi đổ ra biển. Đặc biệt, các bãi đất phù sa dọc 3 con sông cùng các thung lũng quanh 3 núi rất tốt cho việc trồng mía, đặc biệt là loại mía Lau rất thơm hương và ngọt dịu, nấu đường phèn rất thơm và bổ dưỡng.
Với con mắt am tường về phong thủy. các thầy địa lý đã chỉ ra vị thế của Cổ Thành Châu Sa, Long đầu Hí Thủy, la Hà Thạch Trận cùng Hòn Yàng giấu vàng, Thành Hời và Chùa hang Sơn Thần trên đỉnh núi sẽ là nơi phát triển trường tồn. Vậy là trưởng bối họ Hoàng lúc bấy giờ là ông Hoàng Xuân Vịnh và cùng 17 vị trưởng tộc của 17 họ đã vào Thu Xà mở phố. Họ bày lễ xin lễ bấm quẻ và đặt xây Quan thánh Tự tại đây với lời nguyện Thu Xả sẽ là vùng quê hương vĩnh viễn của gia tộc.
3/ Phát triển Nghĩa Hòa thành xứ Đường Phèn
Hoàn tất việc an cư cho gia tộc xong, Ông Hoàng Xuân Vịnh đã lập nên nhiều lò nấu đường phèn, thu nạp cả người Việt lẫn Champa vô làm việc. Đồng thời, ông cũng không bó hẹp bí quyết nghề này trong tay người Hoa mà sẵn lòng truyền nghề cho nhân công nào biết yêu nghề sáng dạ, lao động cần cù và có tâm trong sáng thật tình, đối nhân xử thế lễ độ. Vì thế nghề nấu đường phèn đã đến tay cư dân Việt nhờ cơ duyên này cho đến ngày nay.
Là nơi cung cấp nguồn hàng độc đáo, rất nhanh, Thu Xà trở thành một khu phố có thương cảng hoạt động rất rộn rịp. Ghe thuyền tấp nập đến ăn hàng không ngơi nghỉ.
Nghe kể lại, chỉ sau ¼ thế kỷ an cư. Thu Xà Phố cổ đông vui sầm uất, ghi dấu giao thoa 3 dân tộc Việt- Hoa-Chăm an lành vi quý bên nhau. Đồng thời cũng trở thành vương quốc đường phèn với danh tiếng lan xa vượt biên giới.
Khi mất, ông Hoàng Xuân Vịnh đã được gia tộc tôn thờ, kế vị công việc truyền thừa là con trai ông: Hoàng Văn Thi, tiếp tục phát huy và trở thành ông tổ nghề chưng cất đường Phèn nổi tiếng khắp trong giới thương lái. Công lao của Gia đình ông được ghi công vào tấm bia đặt trong chùa Ông là di chứng (Ngày nay hình, bài vị của 2 Cha con ông được thờ trang trọng trong khuôn viên điện chánh, bên trái của Chùa Ông Thu Xà)
Năm 1868, tiếng súng thần công từ chiến hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng, báo hiệu cuộc xâm lăng tấn công Đại Việt. Rất nhanh, quê hương ta lọt vào tay đô hộ người Pháp. Trong gần 1 thế kỷ, người Pháp đã khảo sát và xây đường sắt xuyên Việt hai miền Bắc-Nam.
Từ đó, thương cảng Quảng Ngãi trở nên ảm đạm, không còn lợi thế. Riêng các nhánh sông nhỏ cũng bị phù sa bồi lấp, tàu thuyền rất khó ra vào. Lâu dần Thu Xà phố thưa thớt bóng ghe thuyền đến thâu nhận hàng, thị tứ bị bỏ rơi. cảnh chợ đìu hiu. Người dân rời quê đi tìm chốn mới để mưu sinh, cảnh xưa vẫn còn trong không gian quê ẩn dáng in hình tiền nhân, cái thiêng liêng “Nhất bộ dị trạng”, “nhất Huế nhì đây” còn đấy hồn chứa chất lạ lùng mỗi lần tạt ghé.
Qua thế kỷ XX, chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra, bom rơi đạn nổ đã phá hủy nhiều cảnh vật tại khu phố Cổ Thu Xà. Cuối cùng, chỉ còn duy nhất Chùa Ông là tồn tại nguyên trạng, lịch sử đã vượt mốc 200 năm, Đại Tự Quan Thánh vẫn an vị tại chốn xưa, dù phải hứng chịu nhiều vết tích thăng trầm của thời gian.
Dường như ngôi chùa ấy đã trở thành một nhân chứng sống, kể cho thế hệ hậu duệ quê Việt những khoảng sáng tối của một thời xa xưa, mà nay chỉ còn là những áng mây hồi ức dõng dạc còn sót lại trong tâm trí vài cao niên đất Quảng, mặc trầm khắc khổ qua thời cuộc kể nhau chuyện xưa bên bàn trà trước sân nhà bồi hồi mắt xa xăm,..
Dạo quanh Quan Thánh Tự trong cơn mưa phùn lất phất đượm gió xuân, chạm tay nhẹ trên các bia khắc câu chuyện xây chùa cùng đọc tên linh vị 18 họ tiền nhân đã bỏ công xây dựng, tạo nên làng nghề đường phèn mà cho đến nay, các vị tiền nhân ấy không hề biết rằng: Họ đã tạo nên một thương hiệu lớn cho xứ Quảng Ngãi, bằng hương vị ngọt thanh, dịu dàng đi vào hàng triệu bao tử người Việt khắp nơi.
Thắp một nén nhang trầm thoảng nhẹ khói vươn, kính cẩn cúi chào và bái lạy các vị tổ tiên của cư dân người Hoa, lan man tôi nghĩ: Có lẽ, Thiên mệnh đã dẫn lối cho các vị - những hiền tiền nhân vùng Phúc Kiến, giúp họ lựa chọn vùng đất Thu Xà an cư và trở thành người dân Việt. Các cư dân ấy, nhờ hội tụ đầy đủ nét tinh túy văn hóa trộn lẫn giữa 2 dân tộc Việt-Hoa (về sau nhiều con cháu Phúc Kiến hậu thế chỉ biết tiếng Việt). Tuy chỉ với nghề chưng cất đường Phèn cần cù, tinh tế, nhưng họ đã tặng cho đời 1 câu chuyện bình dị về tình yêu nghề, lan toả vẻ đẹp trong lành thật thà sống bao la tự chủ trên bản lĩnh vốn có để từ đó giúp cho nơi đây bao thịnh vượng phồn vinh!
Bài viết đăng tải gởi đến quý đọc giả cũng là thời khắc cận gần ngày cổ lớn nhất tưởng nhớ công ơn gầy dựng của 18 tộc họ tiền nhân người Hoa đầu tiên góp công xây dựng Thu Xà phố có được như hôm nay (Ngày 07/03/2023 nhằm ngày 16 tháng 02 lịch âm) tại Chùa Ông Thu Xà – Thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.